AirPower có gì phức tạp mà đến Apple cũng không làm nổi? Đây là câu trả lời của iFixit
Tham vọng quá lớn của Apple đối với khả năng của AirPower đã gây ra các thách thức kỹ thuật khó vượt qua.
Cuối cùng sau 562 ngày chờ đợi, AirPower đã trở thành một trong những sản phẩm hiếm hoi của Apple bị khai tử ngay cả khi chưa được mở bán chính thức.
Nguyên nhân được đại diện của Apple đưa ra là sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của công ty, nhưng không cho biết cụ thể lý do là gì. Tuy nhiên, iFixit, công ty thường xuyên mổ xẻ các sản phẩm của Apple, đã đưa ra một số giả thuyết có thể lý giải cho động thái này của Apple.
Quá nhiệt và can nhiễu
Các tấm sạc không dây sử dụng kỹ thuật cảm ứng điện từ để sạc cho điện thoại của bạn. Cả đế sạc và điện thoại sẽ chứa các cuộn dây sạc. Tấm sạc sẽ sử dụng điện nguồn để chạy qua cuộn dây của mình, tạo ra trường điện tử. Trường này sẽ cảm ứng một dòng điện cho cuộn dây trên điện thoại, và sau đó sạc cho pin của thiết bị.
Tuy nhiên, dòng điện truyền theo phương pháp này không hoàn hảo hay lý tưởng. Nó sẽ tạo nên nhiễu sóng, có thể can thiệp và làm gián đoạn các thiết bị không dây khác. Đó là lý do tại sao FCC (và nhiều cơ quan quản lý trên các quốc gia khác) đặt ra các giới hạn cho thiết bị phát sóng không dây.
Nhiễu sóng từ một cuộn dây có thể không phải vấn đề, nhưng khi bạn có nhiều cuộn dây và mỗi cuộn lại tạo ra một nhiễu với dạng sóng khác nhau một chút, đó có thể là vấn đề. Khi các sóng này chồng lấp lên nhau, giao thoa giữa các nhiễu này sẽ khuếch đại cường độ của chúng lên nhiều lần – tương tự như sóng biển có thể va chạm và kết hợp với nhau để gia tăng sức mạnh.
Bằng sáng chế mô tả AirPower của Apple với rất nhiều cuộn dây sạc bên trong.
Kết hợp các tần số chồng lấp này một cách điều hòa là một thách thức rất to lớn, và càng có nhiều cuộn dây thì sẽ càng khó khăn hơn. Từ các hình ảnh trong bằng sáng chế của Apple, chúng ta có thể thấy công ty có tham vọng đặt rất nhiều cuộn dây cạnh nhau cũng như chồng lấp lên nhau trong đế sạc không dây của mình
Các bộ sạc không dây đa thiết bị khác cũng đặt 2 hay 3 cuộn dây cạnh nhau, nhưng đòi hỏi thiết bị của bạn phải được đặt đúng điểm vị trí tối ưu để bắt đầu sạc. Với AirPower, Apple có tham vọng tạo ra một đế sạc không dây cỡ lớn, có thể sạc cho nhiều thiết bị cùng lúc cho dù chúng được đặt ở đâu đi nữa. Nhưng rõ ràng nó những thách thức không thể vượt qua.
Theo William Lumpkins, Phó chủ tịch kỹ thuật của O & S Services, một kỹ sư có kinh nghiệm về các hệ thống sạc không dây, cho biết: "Theo thời gian, các sóng điều hòa này sẽ gia tăng và chúng trở thành các tín hiệu rất mạnh trong không khí. Và nó cũng có thể rất khó kiểm soát – ví dụ nó có thể làm dừng nhịp tim của một ai đó nếu tín hiệu quá cao đến một mức nào đó. Hoặc nó cũng có thể làm đoạn mạch máy trợ thính của một ai đó."
Dường như AirPower đã bị hủy vào phút cuối, sau khi hình ảnh của nó đã hiện diện trên vỏ hộp của AirPod 2.
Một điều đáng chú ý nữa là việc dường như đế sạc không dây này đã bị hủy bỏ vào đúng phút cuối, ngay sau khi nó bắt đầu lộ diện trên vỏ hộp của AirPod 2. Ông Lumpkins đoán rằng, có thể Apple đã vượt qua được nhiều thách thức kỹ thuật đối với AirPower trong phòng thí nghiệm, nhưng khi đưa vào thực tế, các tác động từ AirPower đối với các thiết bị khác xung quanh đã khiến nó trở nên bất khả thi ngay với cả Apple.
Ngoài ra, cũng có tin đồn từ nhiều tháng qua cho biết về vấn đề quá nhiệt của AirPower. Để có thể sạc cho nhiều thiết bị thông qua một loạt các cuộn dây sạc, chúng sẽ cần một lượng điện năng khá lớn. Ông Lumpkins cho biết: "Việc quá nhiệt nghĩa là chúng bị đưa vào quá nhiều điện năng, cũng có nghĩa họ đang cố tăng mức độ năng lượng" để sạc cho thiết bị và nó đã làm cho đế sạc bị quá nhiệt.
Tham khảo iFixit